Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng – Nhà cổ Hội An đẹp nhất

Nhà cổ Phùng Hưng là một những ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất cho dạng nhà cổ ở Hội An. Ngôi nhà này đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam về lối kiến trúc truyền thống vào năm 1985. Tọa lạc ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai - Hội An, gần với Chùa Cầu Hội An. Nhà cổ Phùng Hưng là nơi chứng kiến sự ra đời nhiều thế hệ của gia đình Phùng Hưng, nó đã được xây dựng trên 100 năm và là mẫu nhà đẹp nhất của lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao ở phố cổ Hội An.

Mặt tiền nhà cổ Phùng Hưng Hội An

Ngôi nhà cổ Phùng Hưng giữ được nguyên vẹn những yếu tố kiến trúc xưa nhờ vào chất lượng bền vững theo thời gian của vật liệu và sự bảo tồn gìn giữ của chủ nhà. Nhà cổ Phùng Hưng là kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc: Việt Nam, Nhật Bản và Tàu. Hệ thống ban công và cửa chớp theo kiểu Tàu, mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc của Nhật Bản (giống mái của chùa Cầu). Còn lại là hệ thống sườn gỗ, hệ thống xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là kiến trúc Việt Nam. Nhà cổ Phùng Hưng rộng và cao nhất ở trong vùng. Với hệ thống khung đỡ gồm 80 cột gỗ lim được đặt trên chân đá để chống ẩm thông qua tránh tiếp xúc giữa chân cột và mặt đất. Có một cửa sập thông với tầng trên để khi lụt lội xảy ra người ta có thể chuyển hàng hóa lên tầng trên.

Bên trong ngôi nhà cổ Phùng Hưng Hội An

Khu vực nhà cổ Phùng Hưng gần sông Hoài nên mỗi năm thường xảy ra lụt lội, có thời điểm lũ lịch sử nước lên tới 2,5m như vào năm 1964, trận lụt năm Thìn lớn nhất Việt Nam, nước dâng cao lên đến sàn gác gỗ.

Khách du lịch trong ngôi nhà cổ Phưng Hưng

Gian giữa nhà cổ có thờ những vị thần biển phù hộ. Ngày xưa người ta thường dùng tàu để vận chuyển hàng buôn đi các nơi và thông thương với nước ngoài. Trước mỗi lần đi biển người ta tụ họp lại làm lễ cúng thần. Thuyền trưởng thả bảy con súc sắc trong tô để thử vận may cho đoàn. Họ được thả ba lần, nếu có một lần họ được bốn mặt đỏ trở lên có nghĩa là may mắn thì họ sẽ ra khơi còn không họ nhất định hoãn chuyến đi lại.

Gian thờ ở giữa trong ngôi nhà cổ Phùng Hưng

Hệ thống cửa trên song dưới bản để di chuyển trong nhà có thể mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Nhà cổ Phùng Hưng cũng được lợp mái âm dương, giữ cho ngôi nhà mát mẻ, thông thoáng quanh năm vì mái nhà có nhiều khe rãnh. Bộ phận đỡ mái hiên được chạm khắc hình cá chép vốn là biểu tượng cho sự may mắn và thịnh vượng. Cá chép đối với người Tàu là sự may mắn, đối với người Nhật là quyền lực và đối với người Việt Nam là sự thịnh vượng.