Bãi biển Cửa Đại

Bãi biển Cửa Đại cách phố cổ Hội An - Quảng Nam khoảng 5km là nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển lớn. Bãi biển Cửa Đại được xem là “nét duyên con gái” của mẹ hiền Hội An. Suốt cả ngày lẫn đêm, bãi biển Cửa Đại có một nét đẹp riêng làm đắm lòng khách phương xa…


Một góc bãi biển Cửa Đại Hội An

Rời khỏi phố cổ trầm tư Hội An, đi về phía biển, du khách đến với Cửa Đại trẻ trung, sống động. Nhiều người từng đến Cửa Đại đều nói: “đẹp mê hồn”! Mỗi người một cách diễn tả cảm nhận của mình khi đến vùng biển này nhưng hầu hết đều đồng ý với nhau rằng, đây là vùng biển thơ mộng và hiền hòa…

Bình minh trên biển Cửa Đại

Ấn tượng đầu tiên của vùng biển này là bãi biển cát trắng mịn trải dài. Dọc bãi biển là những resort Hội An cao cấp với nhiều phong cách. Du khách có thể tự do đi lại, tắm biển ở bất kỳ vị trí nào trên bãi biển tùy thích. Giữa khu “đất vàng” này, chính quyền địa phương đã giữ lại một diện tích lớn làm công viên bờ biển và bãi tắm công cộng. Bãi tắm luôn được giữ sạch sẽ. Những người bán hàng rong ở khu vực này cũng ý thức cao việc giữ gìn môi trường, không xả rác bừa bãi. Đến Hội An, Cửa Đại, nhất là Cù Lao Chàm, môi trường rất trong lành, không thấy rác. Vì thế khách châu Âu rất thích đến đây vào những kỳ nghỉ.

Khách du lịch quốc tế rất thích bãi biển Cửa Đại

Biển Cửa Đại nước trong ngần. Cát biển trắng. Dưới ánh nắng, biển càng thêm trong. Những nhà đầu tư resort cao cấp tại đây cho biết họ chọn điểm này vì bãi biển ở đây đẹp. Cửa Đại có nét duyên mà du khách càng khám phá càng thấy hấp dẫn. Hệ thống resort được xây dựng thân thiện với môi trường. Gần như không có nhà cao tầng. Đa số vẫn chọn kiến trúc dân dã làng quê Việt Nam để tô điểm cho nét duyên Cửa Đại. Ban ngày, các công trình kiến trúc chen lẫn dưới những hàng dừa cao vút, e ấp bên những khóm hoa, rặng liễu. Ban đêm, dưới ánh đèn vàng, khu resort trở nên lộng lẫy và quý phái. Hầu hết nhà đầu tư vào đây rất trân trọng thiên nhiên nên sử dụng những chất liệu thân thiện môi trường và gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Bước chân vào những khu resort cao cấp này, du khách cảm thấy nơi đây như một sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, kết nối giữa hồn phố cổ với thiên nhiên bao la của biển cả.

Hàng dừa xanh tại bãi biển Cửa Đại

Bãi biển Cửa Đại ban đêm như một vườn hoa đăng với những ngọn đèn bão của người bán rong. Người dân địa phương tự do buôn bán: hải sản tươi sống, khô mực nướng… giá bình dân, cách resort cao cấp vài bước chân. Người bán hàng rất lịch sự và luôn để sẵn thau, rổ cho khách đựng rác và thu dọn gọn gàng trước khi ra về. Mỗi “bàn” là một chiếc chiếu trải trên cát, bên trên để một, hai ngọn đèn bão để khách ngồi thưởng thức hải sản, ngắm biển đêm. Bạn bè quây quần bên nhau, ăn uống trò chuyện bên bờ biển sóng vỗ rì rào, gió mát rượi… quả thật thú vị. Xa xa, Đà Nẵng sáng rực sắc màu của ánh điện…

Nhiều đôi uyên ương đã chọn Cửa Đại và Hội An để hưởng tuần trăng mật. Đi trên đường, du khách hay nhìn thấy những chiếc xe đạp đôi chạy dọc theo bờ biển rợp bóng dừa xanh mướt. Các doanh nghiệp lữ hành đã khéo léo thiết kế tour trăng mật đến điểm du lịch này, hấp dẫn nhiều du khách. Sống trong sự tiện nghi mà gần gũi của những resort ở Cửa Đại, những đôi trai gái thư thả trải qua những giây phút ngọt ngào bên nhau. Buổi sáng đón bình minh hay buổi chiều ngắm hoàng hôn trên bãi biển thật là tuyệt.

Cửa Đại đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Có lần, chúng tôi đã chứng kiến cảnh một chàng trai cầu hôn một cô gái dưới ánh trăng ngay tại bãi biển Cửa Đại. Chàng trai thuê hàng chục chiếc đèn bão của những người bán rong xếp thành hình trái tim. Cho cô gái đứng vào giữa trái tim đó, chàng trai quỳ xuống cầu hôn trong sự ngạc nhiên và thích thú của nhiều du khách. Cô gái cảm động đến rơi nước mắt… Biển Cửa Đại đã chứng kiến không biết bao nhiêu mối tình đẹp, chứng giám cho bao nhiêu lời thề của trái tim những người trẻ đang yêu…

Đêm trên biển Cửa Đại có khi nghe lanh lảnh câu hát bài chòi của người dân bản địa, bỗng thấy yêu quá vùng đất này. Bài chòi là một trò chơi văn hóa dân gian của nhiều tỉnh miền Trung nhưng đến nay không còn phổ biến nhiều. Tại Quảng Nam, khi Hội An trở thành đô thị di sản văn hóa, bài chòi trở thành “đặc sản” văn hóa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trước đây, bài chòi thường được đưa vào sinh hoạt văn hóa vào các dịp lễ, Tết. Người ta cất những chòi lá để người chơi ngồi. Bài chòi gồm 10 lá (hoặc thẻ) có vẽ hình ảnh. “Anh hiệu” (tương đương nhà cái) mở đầu bằng câu hiệu: “Gió xuân phảng phất ngọn tre/Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi” để mọi người yên vị, bắt đầu cuộc chơi. Anh này mở từng lá bài và “hô” hoặc hát những câu ca dao, dân ca… miễn sao có từ ngữ, hình ảnh liên quan đến hình ảnh trong bài. Khi đó, chòi nào có hình ảnh liên quan thì gõ mõ báo hiệu. Cái tài của “anh hiệu” là hát làm sao để người chơi hồi hộp và phải dùng những câu hát ví von để người chơi liên tưởng với hình ảnh ứng trên bài. Cứ thế, “anh hiệu” hát hoài cho đến khi chòi nào trúng được ba đôi trước thì thắng – được người mang rượu mời và cờ đến cắm trước chòi. Bài chòi đã trở thành nét văn hóa đặc trưng đang được bảo tồn…

Điều đáng tiếc đến cuối năm 2015, Bãi biển Cửa Đại bị sạt lở và xâm thực nghiêm trọng và hiện đang trong giai đoạn tìm cách khắc phục

Biển Cửa Đại bị xâm thực
Hình ảnh bãi biển Cửa Đại bị xâm thực vào cuối năm 2015